Đánh giá Asus TUF Gaming FX705. Laptop gaming tầm trung kích thước lớn
Asus TUF Gaming FX705 là một chiếc laptop gaming tầm trung, sở hữu hiệu năng tổng thể ấn tượng so với mức giá. Dù không được trang bị các dòng card RTX mới nhất của Nvidia, chiếc laptop 17.3 inch này vẫn cho phép người dùng chơi mượt mà các tựa game hiện đại với mức cấu hình tầm trung, nhờ được trang bị card Nvidia GeForce GTX 1060 với 6GB VRAM. Máy còn sở hữu một bàn phím thoải mái và một màn hình tần số quét 144Hz, sử dụng tấm nền IPS rực rỡ.
CPU | Intel Core i7-8750H |
GPU | NVIDIA GeForce GTX 1060 |
RAM | 16GB |
Bộ nhớ | 256GB SSD |
Kích thước màn hình | 17.3-inch |
Độ phân giải | 1920×1080 |
Khối lượng | 2.76 kg |
Kích thước | 15.7 x 11 x 1 inch |
Asus sản xuất chiếc TUF Gaming FX705 với một thiết kế đổi mới hoàn toàn so với phiên bản tiền nhiệm. Nắp máy của chiếc laptop có các đường khía ở 4 góc, tạo nên hình chữ X khi nhìn về mặt tổng thể, đem lại vẻ ngoài độc đáo cho chiếc laptop. Ở điểm giao nhau của chữ X này là logo Asus, được đặt chính giữa vỏ máy kim loại màu xám. Nắp máy được cắt gọt một phần ở phía dưới, cho phép người dùng nhìn thấy đèn tín hiệu LED thể hiện trạng thái của chiếc laptop.
Mở chiếc laptop để lộ một thân máy làm bằng nhựa màu đen, với logo TUF Gaming được đặt ở góc phải. Không gian bàn phím sở hữu một hoàn thiện bề mặt giả nhôm. Máy sở hữu một nét thiết kế gamer hầm hồ, với các chi tiết đường viền mạnh bạo gần khu vực khe thông khí và xung quanh khu vực bàn phím. Trên thân máy còn có logo TUF Gaming và một nút nguồn hình bình hành.
Với kích thước 3 chiều 15.7 x 11 x 1 inch, nặng 2.76 kg, chiếc FX705 nặng và cồng kềnh hơn các đối thủ cạnh tranh là Overpowered Gaming Laptop 17+ (15.6 x 10.3 x 1 inch, nặng 2.58 kg) và các dòng máy 15.6 inch như HP Omen 15 (14.2 x 10.4 x 1 inch, nặng 2.45 kg) và Lenovo Legion Y7000 (14.2 x 10.5 x 0.9 inch, nặng 2.4 kg).
Dù không được trang bị cổng USB Type-C, máy sở hữu cổng Ethernet và HDMI, giúp các game thủ có được kết nối Internet ổn định và sử dụng màn hình ngoài. Bên trái thân máy được trang bị giắc cắm tai nghe, 1 cổng USB 2.0 và 2 cổng USB 3.0. Bên phải thân máy được trang bị duy nhất khe lắp khóa Kensington.
Màn hình kích thước 17.3 inch, độ phân giải 1080p của chiếc TUF Gaming FX705 đem lại chất lượng hình ảnh rực rỡ và chi tiết, cộng với tần số quét lên đến 144Hz mang lại trải nghiệm chơi game mượt mà.
Màn hình của FX705 có độ phủ màu 123% dải sRGB. Đối thủ cạnh tranh của máy bao gồm Omen 15 (111%), Gaming Laptop 17+ (120%) cũng như mức trung bình 111% của dòng laptop gaming tầm trung có màn hình không rực rỡ bằng chiếc laptop Asus. Tuy nhiên màn hình 15.6 inch của chiếc Legion Y7000 sở hữu 1 chất lượng màu sắc ấn tượng, với kết quả đo được là 153%.
Màn hình của máy có chỉ số độ sáng ở mức tầm trung. Với độ sáng tối đa đo được là 270 nit, màn hình của chiếc laptop Asus có độ sáng tương đồng với các đối thủ cạnh tranh cùng tầm giá, trong đó bao gồm Omen 15 (266 nit), Gaming Laptop 17+ (260 nit), Legion Y7000 (277 nit). Tất cả đều nằm trong khoảng độ sáng trung bình 273 nit của dòng laptop gaming cùng phân khúc.
Bàn phím của chiếc FX705 đem lại trải nghiệm đánh máy thoải mái. Bàn phím của máy không gặp hiện tượng kẹt nút trong suốt quá trình sử dụng, nhờ hành trình sâu đến 1.7 mm (vượt qua ngưỡng 1.5 mm tiêu chuẩn). Các nút của máy có độ phản hồi chắc tay, nhờ lực ấn 62 gram. Các nút trên bàn phím cách nhau một khoảng cách rộng rãi, ngay cả khi được trang bị một bàn phím số cạnh bên.
Touchpad của máy có kích thước 4.1 x 2.8 inch. Đây là kích thước tiêu chuẩn của các dòng laptop 17.3 inch, đem lại nhiều diện tích cho phép người dùng thực hiện các thao tác điều hướng đa ngón của Windows 10 một các dễ dàng.
FX705 sở hữu hệ thống loa kép, có hướng âm 2 bên, sở hữu chất lượng âm thanh không quá ấn tượng. Loa của máy có âm lượng không quá lớn, không đủ để mở nhạc cả phòng lớn nghe rõ.
Trong thời buổi card RTX đầy rẫy trên thị trường laptop, dòng card GTX cụ thể là chiếc 1060 được trang bị trên TUF Gaming FX705 vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường laptop tầm trung. Máy chơi tựa game Rise of the Tomb Raider (mức cấu hình High, độ phân giải 1080p với mức khung hình mượt mà là 58 fps. Trong suốt quá trình thử nghiệm, chiếc FX705 không gặp bất cứ hiện tượng rớt khung hình nào, đem lại trải nghiệm chơi game ấn tượng cho chiếc laptop gaming tầm trung.
Trong tựa game Shadow of the Tomb Raider, chiếc FX705 có mức khung hình 36 fps, vượt qua mức khung hình chấp nhận được là 30 fps. Được trang bị cùng loại card đồ họa, chiếc Gaming Laptop 17+ (37 fps) và Legion Y7000 (37 fps) có kết quả kiểm tra tương đồng. Trong khi đó, nhờ được trang bị card GTX 1060 mạnh mẽ, chiếc Omen 15 (50 fps) đánh bại mọi dòng máy trong bài viết hôm nay. Các dòng máy trên đều có mức khung hình vượt kết quả trung bình 35 fps của dòng laptop gaming tầm trung.
Dù có kết quả vượt mức trung bình 66 fps ở tựa game Hitman, chiếc TUF Gaming FX705 (67 fps) không thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh, cụ thể là Omen 15 (88 fps), Gaming Laptop 17+ (71 fps) và Legion Y7000 (70 fps).
Ở tựa game Metro: Last Light, TUF Gaming FX705 có mức khung hình trung bình là 30 fps, thấp hơn khi so sánh với các đối thủ cụ thể là Omen 15 (58 fps), Gaming Laptop 17+ (46 fps) và Legion Y7000 (46 fps).
Được trang bị chip Intel Core i7-8750 và dung lượng RAM lên đến 32GB, phiên bản TUF Gaming FX705 mà chúng tôi dùng để review có hiệu năng tốc độ, làm tốt mọi bài kiểm tra của chúng tôi. Chiếc laptop không gặp bất cứ hiện tượng giật lag nào dù chỉ 1 giây khi tôi load đồng thời 20 tab Chrome, 4 trong số đó chạy video HD trên Youtube.
Máy có kết quả tốt khi chấm điểm hiệu năng tổng thể bằng Geekbench 4.0, với điểm số đo được là 23,179. Chiếc Omen 15 (chip Core i7-8750H, 21,870 điểm), Gaming Laptop 17+ (chip Core i7-8750H, 22,633 điểm) và Legion Y7000 (chip Core i7-8750H, 22,474 điểm) có kết quả kiểm tra thấp hơn chiếc laptop Asus. Cả 4 dòng máy trên đều có điểm số hiệu năng cao hơn mức bình quân 20,748 điểm của dòng laptop cùng phân khúc.
Trong bài kiểm tra tốc độ truyền dữ liệu, ổ SSD loại M.2 PCIe NVMe dung lượng 256GB (và ổ đĩa phụ HDD dung lượng 1TB) của máy chỉ mất 13 giây để copy 1 tệp tin nặng 4.97GB, tương ứng với tốc độ 391.5 MBps. Đối thủ cạnh tranh của máy là Omen 15, Gaming Laptop 17+ có tốc độ ổ cứng thấp hơn nhiều, đo được lần lượt là 231 và 203 MBps. Legion Y7000 là chiếc laptop có tốc độ truyền dữ liệu nhanh nhất trong bài viết này, với tốc độ ấn tượng đo được là 636 MBps.
Chiếc TUF Gaming FX705 phải chật vật 1 chút trong bài kiểm tra tốc độ chuyển mã video. Máy mất 10 phút 45 giây để chuyển đổi 1 video 4K sang độ phân giải 1080p. Kết quả này tuy nhanh hơn mức trung bình 11 phút 10 giây của dòng laptop cùng phân khúc, nhưng lại chậm hơn khi so sánh với các dòng máy đối thủ trong bài viết này, cụ thể là Omen 15 (10 phút 25 giây), Gaming Laptop 17+ (8 phút 59 giây) và Legion Y7000 (9 phút 24 giây).
TUF Gaming FX705 đạt kết quả khá tốt trong bài kiểm tra thời lượng pin của chúng tôi. Máy trụ được 4 giờ 19 phút sau khi lướt web liên tục bằng wifi, với độ sáng màn hình để ở mức 150 nit. Đối thủ cạnh tranh của máy là Legion Y7000 (4 giờ 28 phút) và mức trung bình phân khúc (4 giờ 26 phút) có thời lượng pin dài hơn vài phút so với chiếc Asus. Trong khi đó Gaming Laptop 17+ (2 giờ 36 phút) và Omen 15 (3 giờ 47 phút) tắt máy sớm đen cả tiếng đồng hồ so với chiếc FX705.
Chiếc FX705 có mức nhiệt tốt ngay cả được sử dụng cường độ cao. Sau khi chúng tôi để máy chạy 1 video HD trong vòng 15 phút, touchpad của máy có mức nhiệt là 27 độ C. Trung tâm bàn phím và gầm máy có mức nhiệt cao hơn một chút, đo được lần lượt là 31 và 29 độ C. Máy có nhiệt độ tổng thể nằm trong ngưỡng nhiệt hoạt động lý tưởng 35 độ C.
Hệ thống quạt thông khí kép được đặt bên dưới của chiếc FX705 làm khá tốt trong việc điều hòa nhiệt độ khi tôi chơi tựa game Shadow of the Tomb Raider, mức cấu hình Ultra trong vòng 15 phút. Touchpad của máy có mức nhiệt đo được là 29 độ C, trong khi cạnh dưới của màn hình có mức nhiệt cao hơn là 34 độ C. Khu vực gầm máy và bàn phím có mức nhiệt đo được lần lượt là 41 và 39 độ C. Dù có mức nhiệt cao, máy không gặp tình trạng quá tải nhiệt và vẫn có thể vận hành ở mức hiệu năng tối ưu.
Bạn sẽ phải mua một chiếc webcam rời nếu bạn muốn có chất lượng hình ảnh quay tốt hơn. Webcam 720p bên trên màn hình của FX705 có chất lượng hình ảnh tối và mờ nhạt, ngay cả khi được sử dụng ở điều kiện ánh sáng đầy đủ.
TUF Gaming FX705 là một lựa chọn tốt dành cho những ai muốn có một chiếc laptop gaming cỡ lớn với mức giá tầm trung. Máy được trang bị màn hình kích thước 17.3 inch, tần số quét 144Hz có chất lượng hình ảnh sống động và chi tiết, cộng với chip Intel Core i7 và GTX 1060 đem lại hiệu năng tổng thể tốt so với mức giá.
Là một chiếc laptop phân khúc tầm trung, hiển nhiên là máy sẽ có vài điểm hạn chế nhất định, cụ thể là chất lượng âm thanh tầm trung và webcam không quá ấn tượng. Dù vậy, với những điểm mạnh mà chiếc TUF Gaming FX705 mang lại, đây vẫn là một lựa chọn laptop gaming tầm trung tốt với hiệu năng mạnh mẽ và màn hình đẹp.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.